Lễ diễu hành này bắt nguồn từ Trung Quốc, nơi các lễ diễu hành tương tự được tổ chức trong hai tuần sau Tết Nguyên Đán để đón chào mùa xuân. Chingay là một từ bắt nguồn từ tiếng Phúc Kiến, có nghĩa là “nghệ thuật trang phục và hóa trang”. Lễ hội có truyền thống lâu đời với lễ diễu hành đầu tiên được tổ chức vào năm 1973.
Vào những năm 1990, lễ diễu hành kéo dài từ tối đến đêm và được kết thúc bằng màn trình diễn ánh sáng và pháo hoa đầy ấn tượng. Người dân thuộc mọi tầng lớp đều tham gia vào lễ diễu hành Chingay Parade để ăn mừng và sẻ chia. Qua nhiều năm, lộ trình diễu hành của lễ hội đã bao gồm hầu hết các khu vực trung tâm tại Singapore như Công Viên Outram Park, Đại Lộ Orchard (Orchard Road), Chinatown và Tòa thị chính City Hall.

Vào dịp Tết Nguyên Đán, hãy hướng đến Tòa Nhà Formula One Pit ở Khu Cảng Marina Waterfront để chiêm ngưỡng Chingay Parade. Lễ hội vừa được chuyển từ Đại Lộ Orchard (Orchard Road) tới địa điểm như sân vận động này để có thể chứa được nhiều khán giả hơn. Nhờ vậy, bạn sẽ được thưởng thức vô số tiết mục, từ những tiết mục nghệ thuật trong nước và quốc tế trên những xe diễu hành lưu động cho tới các tiết mục giải trí đường phố đa dạng khác.
Hãy cùng người dân Singapore cũng như các du khách đi du lịch Singapore diễu hành dọc các con đường trong suốt lễ hội như là một cách chào đón xuân về. Các tiết mục múa lân sư rồng đa dạng cũng sẽ được biểu diễn trong suốt thời gian này như Tiết mục múa rồng pháo hoa của Hiệp Hội Nhân Dân Singapore (Singapore People’s Association). Tiết mục là sự kết hợp hoành tráng và kinh ngạc giữa vũ đạo và những màn bắn pháo hoa tuyệt vời, với các nghệ sĩ biểu diễn gan dạ đu người một cách điêu luyện qua các chùm pháo hoa đỏ rực.

Trong những năm gần đây, lễ hội đã phát triển và tiếp thu thêm những ảnh hưởng của Châu Á và thế giới, với sự góp mặt của khoảng 2.000 nghệ sĩ trong trang phục lộng lẫy, rực rỡ sắc màu đến từ các câu lạc bộ, trường học và cơ sở khác nhau, biểu diễn cùng nhau trên nền nhạc Samba. Nhờ vậy, lễ hội ngày càng trở nên nổi tiếng và được ví như Lễ hội Mardi Gras của phương Đông. Từ năm 2000, những nhóm người nhập cư từ nhiều quốc gia khác nhau như Ghana, Brazil và Slovenia cũng lần đầu tiên góp mặt vào lễ diễu hành này, thu hút du khách và cả người dân Singapore, thể hiện rõ nét hơn một xã hội đa văn hóa thực sự.